Bất động sản Tp HCM, nút thắt được tháo dần

Lời hứa của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM với hơn 36 doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn vào hôm 22/2 đang được các cấp, ngành triển khai trên thực tế.

Những nút thắt đang dần được tháo gỡ, thị trường bất động sản TP.HCM dự báo sẽ sớm trở lại đà phát triển

Nhiều tín hiệu sáng

Cách đây ít hôm, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM tiếp tục chủ trì cuộc họp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp bất động sản, đúng như lời hứa mà ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố đã nhấn mạnh tại hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp bất động sản hôm 22/2 rằng, UBND Thành phố sẽ thành lập Tổ công tác họp hàng tuần và đến ngày 30/4 phải giải quyết xong các vướng mắc của 19 doanh nghiệp được nêu trong bản kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM.

Mặc dù nội dung cuộc họp không được tiết lộ, cũng không biết thành phần tham dự những ai và có doanh nghiệp nào nằm trong diện tháo gỡ trước, song thông tin này được xem là tín hiệu đáng mừng và tăng thêm nhiều hy vọng cho doanh nghiệp là các khó khăn sẽ sớm được tháo gỡ.

Một tín hiệu sáng tiếp theo cũng được giới chuyên môn đánh giá cao là việc Sở Xây dựng TP.HCM chính thức có văn bản đồng ý cho 3 dự án đầu tiên kể từ đầu năm đến nay được ký hợp đồng bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Cụ thể, dự án Khu phức hợp Sóng Việt (The Metropole Thu Thiem) của Tập đoàn Quốc Lộc Phát với 456 căn hộ. Dự án Khu chung cư lô H thuộc dự án Khu nhà ở do Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức làm chủ đầu tư, với 214 căn hộ. Ngoài ra, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng cũng được Sở Xây dựng đồng ý cho bán 193 trên tổng số 242 căn hộ tại dự án khu dân cư nằm trong Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (quận 7).

Đặc biệt, động thái được cho là làm “mát lòng” không ít doanh nghiệp địa ốc là ngay sau Hội nghị gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo chính quyền Thành phố với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, UBND TP.HCM tiếp tục ban hành công văn khẩn chỉ đạo các sở, ngành liên quan sớm đề xuất giải quyết các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản.

Trong đó, đối với các vướng mắc liên quan đến sự bất cập, xung đột giữa các quy định trong quy trình thủ tục thực hiện đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, UBND Thành phố sẽ kiến nghị Trung ương tháo gỡ. Đối với các vướng mắc khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản còn hồ sơ đang tồn đọng, chưa xem xét giải quyết tại các sở, ngành có liên quan, Sở Xây dựng được giao phối hợp với các cơ quan chức năng phân loại từng nhóm vướng mắc để giải quyết từng trường hợp.

Ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, với những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản trong việc thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở trên địa bàn, có rất nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền của Thành phố và sẽ sớm được giải quyết trong thời gian tới.

Theo “tư lệnh” ngành xây dựng của Thành phố, hiện có một vướng mắc là việc lấy ý kiến thẩm định liên quan đến nội dung đề xuất thực hiện dự án nhà ở thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư của UBND Thành phố. Theo quy chế phối hợp hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối tổ chức lấy ý kiến thẩm định. Tuy nhiên, văn bản góp ý của các cơ quan phối hợp chưa thể hiện rõ việc thống nhất hay không đối với đề xuất của nhà đầu tư.

“Để tạo thuận lợi trong việc xem xét, thẩm định hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư với dự án nhà ở sử dụng quỹ đất hỗn hợp, UBND Thành phố đã chấp thuận thành lập tổ chuyên gia”, ông Bình nói và chia sẻ thêm, tổ chuyên gia gồm đại diện các sở, ngành, UBND quận, huyện. Tổ này sẽ cho ý kiến về hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư, làm cơ sở cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, lập báo cáo thẩm định và trình UBND Thành phố.

“Trường hợp nhà đầu tư đảm bảo các điều kiện để được chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư, tổ chuyên gia sẽ tổ chức 1 lần họp để cho ý kiến và Sở Xây dựng sẽ trình UBND Thành phố cả hai nội dung. Thực hiện được như vậy sẽ rút ngắn thời gian làm thủ tục cho doanh nghiệp”, ông Bình nhấn mạnh.

Mong chờ sự quyết liệt hơn

Thời gian qua, lãnh đạo TP.HCM đã rất nỗ lực để tháo gỡ nhiều vướng mắc cho không ít dự án.

Ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Novaland, cho biết, trong quá trình phát triển dự án, Tập đoàn cũng gặp phải không ít vướng mắc về pháp lý. Tuy nhiên, nhờ sự lắng nghe của các sở, ngành, nhiều dự án đã được giải quyết.

Cụ thể, dự án Khu chung cư Cô Giang tại số 100 Cô Giang (quận 1) đã được UBND Thành phố giao đất, Sở Xây dựng cấp phép xây dựng. Dự án trung tâm thương mại, văn phòng, officetel và căn hộ tại số 151 – 155 Bến Vân Đồn (quận 4) đã được UBND Thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường duyệt giá tiền sử dụng đất…

Còn bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai cũng cho biết, thời gian qua, chính quyền thành phố đã gỡ vướng cho 6 trong tổng số 12 dự án bị vướng mắc của Công ty.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, mặc dù còn chậm, song thời gian qua nhiều khó khăn của các doanh nghiệp và dự án đã được Thành phố tháo gỡ vướng mắc.

“Thị trường bất động sản TP.HCM hiện nay rơi vào tình thế khó khăn chỉ có tính nhất thời, đặc thù, bất bình thường, mà nguyên nhân là do vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luật”, ông Châu nói.

Trong khi đó, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho rằng, việc lãnh đạo TP.HCM nỗ lực “cởi trói” cho các dự án bị ách tắc thủ tục là một tin rất đáng hoan nghênh. Bởi một khi thị trường đã khơi thông, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đưa những dự án có vướng mắc đất công khác lên để xin phép gỡ khó và triển khai dự án mới.

Tuy nhiên, ông Phúc cũng cho rằng, động thái này của lãnh đạo Thành phố trước mắt cũng chỉ mới tạo ra tâm lý chung là có sự thay đổi và bớt căng thẳng hơn. Còn trong thời gian ngắn, thị trường TP.HCM vẫn chưa có dấu hiệu tăng nguồn cung, bởi trên thực tế, để thực hiện một dự án phải mất ít nhất từ 2 – 3 năm thì mới có thành phẩm. Mặt khác, giá thị trường hiện nay ở TP.HCM đã tăng cao, điều này khiến cho thị trường không thay đổi nhiều nếu người tiêu thụ không thể chấp nhận được giá cả đó.

“Thị trường hiện nay đang có độ căng về giá rất lớn. Mức giá này có làm cho thị trường chấp nhận được hay không thì còn nằm ở câu chuyện khác. Giá quá cao khiến cho thị trường không thay đổi nhiều. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp lại tập trung xây dựng dự án cao cấp, điều này một lần nữa lại khiến cho những người trẻ hay người thu nhập thấp ngày càng đi xa hơn để chạm đến ước mơ sở hữu nhà”, ông Phúc nói.

Còn ông Phạm Lâm, Giám đốc Công ty DKRA Vietnam đánh giá, mặc dù thị trường cũng đã có dấu hiệu lạc quan khi chính quyền TP.HCM công bố một số giải pháp về phương án tháo gỡ khó khăn, nhưng để giải pháp này được triển khai trên thực tế còn phụ thuộc vào các cơ quan thực thi và chưa thể biết rõ thời điểm.

“Nếu không sớm được tháo gỡ, doanh nghiệp sẽ bị ứ đọng hàng hóa và chôn vốn, phát sinh chi phí lãi vay, dẫn đến giá thành sản phẩm đội lên”, ông Lâm nói.

Trọng Tín
Báo Đầu tư Bất động sản

ĐỐI TÁC - KHÁCH HÀNG

0962636819Đăng ký thông tin